Hướng Dẫn Viết CV Hiệu Quả Thu Hút Nhà Tuyển Dụng

|

Bạn đã bao giờ gặp tình trạng nhìn thấy một công việc mà bạn muốn ứng tuyển ngay lập tức nhưng bạn cần phải cập nhật lại CV hay sơ yếu lý lịch của mình?

Để viết được một bản CV ưng ý và hoàn hảo trong mắt nhà tuyển dụng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí là kinh nghiệm.

Có rất nhiều lỗi sai mà ứng viên mắc phải khi viết CV. Từ cấu trúc, thiết kế cho tới nội dung.

Để tạo được một bản CV tốt, bạn cần áp dụng những điều sau

  1. Hiểu được người đọc là ai
  2. Tạo bố cục và thiết kế hiệu quả
  3. Viết một phần tiêu đề CV ấn tượng
  4. Giới thiệu bản thân ngắn gọn nhưng hấp dẫn
  5. Tập trung làm nổi bật kinh nghiệm

Nhìn rất ngắn gọn và đơn giản nhưng thực chất bạn cần để ý tới rất nhiều khía cạnh.

Bạn đừng quên tham khảo và áp dụng những kiến thức và bí quyết dưới đây để tạo một bản CV ấn tượng hơn nhé!

#1 - Hiểu Được Người Đọc Của Bạn

Khi nộp đơn ứng tuyển, bạn cần nhớ điều chỉnh CV của mình sao cho phù hợp với mô tả của vị trí nhất có thể. Điều này cũng có nghĩa là bạn phải hiểu được ai sẽ là người đọc nó và họ đang cần gì ở ứng viên - là BẠN.

Đây là một số mục mà bạn cần tìm hiểu.

  • Nghiên cứu về công ty và vị trí. Xem mô tả công việc và yêu cầu, trách nhiệm hay điều kiện nào được nhấn mạnh. Tìm hiểu trang web của công ty và tài khoản mạng xã hội để có cái nhìn về văn hóa và giá trị của họ. Điều này sẽ giúp bạn sử dụng từ khoá và điều chỉnh nội dung CV của bạn một cách phù hợp.
  • Hiểu về ngành nghề, lĩnh vực và cấp bậc vị trí. CV của người mới với ít kinh nghiệm sẽ khác biệt hoàn toàn so với người nhiều kinh nghiệm hay các vị trí quản lý cấp cao. Tương tự, các ngành nghề khác nhau có các quy ước và thuật ngữ riêng. Bạn nên tìm hiểu kĩ và làm quen với những khác biệt này để viết một bản CV có nội dung hợp lý và chuyên nghiệp.
  • Nắm bắt được điều Nhà Tuyển Dụng muốn thấy. Ví dụ, nếu vị trí yêu cầu khả năng làm việc nhóm tốt, bạn nên cung cấp ví dụ thể hiện bạn đã thành công thế nào khi làm việc nhóm. Có thể nêu ra số liệu rõ ràng để tăng sức thuyết phục.
  • Nhấn mạnh kỹ năng liên quan. Những kỹ năng có thể chuyển đổi từ các vị trí hoặc ngành khác có liên quan đều có thể cho vào CV. Quan trọng là cách diễn đạt và dẫn dắt của bạn. Có rất nhiều thứ tưởng chừng không liên quan nhưng lại giúp gây ấn tượng nếu bạn khéo léo liên kết.
  • Súc tích và dễ đọc. Nhà tuyển dụng chỉ dành vài giây để lướt qua mỗi CV. Bạn nên viết câu ngắn, có chọn lọc, sử dụng gạch đầu dòng, bôi đậm để CV dễ nhìn hơn. Nếu bạn làm về ngành sáng tạo, hãy xem xét chau chuốt câu từ. Nếu làm ngành kĩ thuật, bạn có thể tập trung vào câu văn rõ ràng là được. Ngoài ra, hãy lưu ý tới cấu trúc của CV và sử dụng khoảng trắng để không bị rối mắt.
  • Kiểm tra lỗi chính tả/ngữ pháp và sự nhất quán. Cho dù người đọc là ai thì điều này cũng rất quan trọng. Từ phông chữ, kích cỡ cho tới lỗi chính tả, thông tin không chính xác. Bạn có thể tự đọc lại nhiều lần hoặc nhờ người khác kiểm tra lại. Hãy luôn cố gắng có một bản CV chuyên nghiệp nhất.

#2 - Bố cục và Thiết kế Của CV

Bố cục và thiết kế của hồ sơ cá nhân của bạn (CV) sẽ tạo ấn tượng mạnh ngay từ ban đầu với nhà tuyển dụng.

Nếu bạn sử dụng mẫu CV, hãy hướng tới những mẫu đơn giản và hiệu quả với ATS (Applicant Tracking System - Hệ Thống Quản Lý Hồ Sơ và Ứng Viên).

Tốt nhất, hãy sử dụng mẫu CV không chia cột để hệ thống dễ scan và giúp bạn vượt qua dễ dàng như dưới đây.

Bạn có thể sử dụng công cụ tạo CV miễn phí với mẫu CV hiệu quả có sẵn tại đây.

Nếu bạn muốn tự tạo CV, bạn hoàn toàn có thể tự làm bằng các phần mềm thiết kế hoặc Word/Google Docs. Tuy nhiên, hãy lưu ý những điểm sau để tạo ra một bố cục và thiết kế đẹp, dễ nhìn và chuyên nghiệp.

2.1 - Thiết kế

  • Sử dụng phông chữ đơn giản, dễ đọc như Arial, Calibri hoặc Times New Roman với kích thước 10-12. Tránh các phông chữ cầu kì.
  • Giữ khoảng cách lề từ 1,5 - 2,5 cm xung quanh. Việc này sẽ tạo khoảng trắng và làm CV của bạn trông gọn gàng, dễ nhìn hơn.
  • Đảm bảo giãn dòng từ 1,1 - 1,5. Có đủ khoảng trắng giữa các phần, đặc biệt là tách biệt thành tựu với nhiệm vụ nếu bạn liệt kê trong cùng 1 vị trí. Không nên dồn mọi thứ lại với nhau.
  • Căn lề trái và tránh căn giữa hay căn phải vì sẽ làm mọi thứ trông rất lộn xộn.
  • Lưu CV dưới dạng file PDF để thiết kế không bị thay đổi, xô lệch khi gửi cho Nhà Tuyển Dụng.
  • Có thể giúp CV dễ đọc hơn bằng cách tô đậm một số từ khoá nhất định. Có thể sử dụng màu sắc để nhấn nhá thêm. Ví dụ dùng màu phù hợp với màu của công ty cho tiêu đề hay tên của bạn. Tuy nhiên, đừng dùng quá đà vì sẽ rối mắt, giới hạn 1 - 2 màu thôi nhé.

2.2 - Bố cục

  • Quyết định xem CV của mình nên bao gồm những phần nào. Một số phần bắt buộc như Học Vấn, Kinh Nghiệm, Kĩ Năng. Một số phần khác tuỳ chọn như Hoạt Động Ngoại Khoá, Tình Nguyện, Các Khoá Học Online thì có thể cân nhắc nếu liên quan.
  • Bao gồm tiêu đề của mỗi phần rõ ràng như "Kinh nghiệm" và "Học vấn" với phông chữ lớn hơn một chút hoặc bôi đậm. Đảm bảo những phần này tách biệt và dễ nhìn.
  • Liệt kê thông tin theo thứ tự thời gian. Hoặc ngược lại. Thậm chí, bạn có thể lựa chọn liệt kê thông tin theo kĩ năng hoặc là kinh nghiệm. Nói chung, lựa chọn thứ tự mà bạn muốn nhưng nhớ đặt ý mà bạn muốn nhấn mạnh lên đầu.
  • Sử dụng dấu gạch đầu dòng để liệt kê nhiệm vụ, trách nhiệm, và thành tựu của mỗi vị trí. Tuy nhiên, nhớ ngắn gọn - sử dụng các cụm từ ngắn thay vì câu dài dòng, lược bớt tính từ, tập trung vào động từ.
  • Kiểm tra lỗi chính tả hoặc ngữ pháp. Có thể sử dụng công cụ kiểm tra chính tả như Grammarly hoặc tự đọc lại.
  • Giữ CV khoảng 1-2 trang tối đa. Cắt bớt nội dung nếu cần để tránh vượt quá độ dài này. Nếu bạn có kinh nghiệm dưới 5 năm, CV chỉ nên dưới 1.5 trang. Nếu bạn có kinh nghiệm 5-10 năm thì có thể viết trong 2 trang.
  • Sử dụng giãn dòng để tạo khoảng trống và làm bố cục rõ hơn. Thay vì chia bảng hoặc cột vì hệ thống ATS sẽ rất khó quét bố cục nhiều hơn 1 cột.

#3 - Tạo Phần Tiêu Đề CV Ấn Tượng

Phần tiêu đề của CV là phần mở đầu. Bao gồm một số thông tin cá nhân của bạn như Họ và Tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email, đường dẫn tới LinkedIn. Bạn không nên chỉ tập trung vào nội dung của CV mà hãy chau chuốt cả phần tiêu đề để tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu nhé.

Đây là một ví dụ cho phần tiêu đề ngắn gọn, chỉn chu, chuyên nghiệp nhưng vẫn đủ gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Tiêu đề này nằm trong mẫu CV cung cấp bởi NodeFlair. Bạn có thể sử dụng công cụ tạo CV tại đây.

3.1 - Lưu ý khi viết tiêu đề

Nếu bạn tự thiết kế CV, dưới đây là một số lưu ý:

  • Tiêu đề ngắn gọn. Phần này không nên chiếm quá 1/5 của trang. Sử dụng tối đa 1-3 dòng cho tên và thông tin liên hệ.
  • Chọn font rõ ràng, dễ đọc. Sử dụng những font đơn giản và tiêu chuẩn như Arial, Calibri, hoặc Times New Roman. Tránh sử dụng font có kiểu khá phức tạp khó đọc. Nên sử dụng font đồng nhất với phần còn lại của CV.
  • Phù hợp với thiết kế của toàn CV. Bạn có thể làm phần tiêu đề nổi bật hơn bằng cách bôi đậm hoặc tăng kích thước font. Tuy nhiên, không nên thiết kế một phong cách hoàn toàn khác so với toàn bộ CV.
  • Nhấn mạnh tên và vị trí hiện tại của bạn. Bạn có thể sử dụng một font lớn hơn nhiều hoặc tô đậm cho tên của bạn. Kích thước có thể sử dụng khoảng 16 - 18 pt. Có thể sử dụng màu sắc để làm nổi bật phần này nếu muốn.
  • Đính kèm đường dẫn LinkedIn của bạn. Thêm trang cá nhân trên LinkedIn của bạn để nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu thêm về bạn. Nên đặt tên đường dẫn sao cho thật chuyên nghiệp nhé.
  • Kiểm tra lỗi. Kiểm tra kỹ thông tin của bạn xem có đúng không và có lỗi chính tả hay không. Đây là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn thấy!

3.2 - Một số thông tin mà bạn không nên cho vào phần tiêu đề:

  • Ngày tháng năm sinh. Nhà Tuyển Dụng sẽ không cần biết bạn bao nhiêu tuổi. Thông tin này không quan trọng đối với quyết định của họ mà kinh nghiệm của bạn mới là yếu tố quan trọng. Đôi khi, việc cung cấp tuổi tác còn có thể dẫn tới phân biệt đối xử.
  • Địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp. Ấn tượng ban đầu mà đã thiếu chuyên nghiệp thì không hay. Đừng dùng email kiểu iloveicecream@gmail.com mà hãy dùng địa chỉ chỉ gồm tên và họ của bạn như minh.nguyen.nodeflair@gmail.com.
  • Ảnh cá nhân/ảnh thẻ. Tuỳ vào từng trường hợp mà bạn nên cân nhắc có nên bao gồm ảnh cá nhân vào CV hay không. Nhiều ngành nghề không yêu cầu ngoại hình thì việc có ảnh trong CV không quan trọng. Việc nay đôi khi còn khiến bạn bị đánh giá/phân biệt dựa vào ngoại hình chứ không phải vào năng lực của bản thân.

#4 - Viết Một Đoạn Giới Thiệu Hấp Dẫn

Ngay dưới tiêu đề, bạn có thể cân nhắc bao gồm một đoạn văn ngắn tóm tắt về bản thân và nêu rõ mục tiêu. Phần này có thể giúp Nhà Tuyển Dụng hiểu được bạn là ai trong vài giây mà chưa cần đọc kĩ nội dung CV.

Vậy nên, hãy bao gồm những thông tin mà bạn muốn làm nổi bật nhất như bạn là ai, bạn đang tìm kiếm điều gì, và bạn có thể mang tới cho doanh nghiệp điều gì. Nếu quyết định cho đoạn này vào CV, bạn hãy chắc chắn rằng nó có ý nghĩa.

4.1 - Giới thiệu trong CV cần những gì

Một đoạn giới thiệu tốt thường sẽ bao gồm 3 ý chính sau:

  1. Chuyên môn của bạn và số năm kinh nghiệm. Ví dụ như “Chuyên viên phân tích dữ liệu với 3+ năm kinh nghiệm” hay “A senior data analyst with more than 3 years of experience in IT industry”.
  2. Một số thành tựu trước đây (nêu 1-2 thành tựu của bạn). Ví dụ: “Recognized for consistently delivering actionable insights through advanced statistical analysis”.
  3. Mục tiêu của bạn. Nêu rõ mục tiêu sự nghiệp hoặc mục tiêu của bạn có thể đóng góp thế nào cho doanh nghiệp. Ví dụ “Looking for a position to demonstrate ability to deliver high-quality data solutions and analytical results”

4.2 - Những lưu ý khi viết giới thiệu trong CV

Dựa vào cấu trúc viết đoạn tóm tắt cho CV này, bạn nhớ lưu ý một số điểm sau:

  • Ngắn gọn. Đoạn văn khoảng 2-3 dòng và từ 2 đến 4 câu tối đa. Người tuyển dụng thường chỉ có thời gian ngắn để đọc.
  • Điều chỉnh thông tin. Đối với mỗi vị trí, bạn hay điều chỉnh sao cho phù hợp, bao gồm từ khoá liên quan tới mô tả công việc, kĩ năng yêu cầu. Điểm này sẽ giúp CV của bạn dễ dàng vượt qua hệ thống ATS hơn.
  • Tóm lược những ý chính. Những kỹ năng mạnh nhất, thành tựu và điểm mạnh của bạn làm cho bạn trở thành ứng viên nổi trội. Bạn không nên liệt kê tất cả mọi thứ mà hãy chắt lọc những thông tin liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển.
  • Đóng góp. Tập trung vào những gì bạn có thể đóng góp cho nhà tuyển dụng, không phải điều họ có thể làm cho bạn. Người quản lý tuyển dụng quan tâm đến cách bạn sẽ tạo ra giá trị.
  • Liên kết kĩ năng. Nếu bạn có kinh nghiệm hạn chế, liệt kê các kỹ năng có thể chuyển đổi được mà bạn đã học ở trường, trong công việc bán thời gian hay thậm chí từ sở thích cá nhân. Bạn hoàn toàn có thể liên hệ chúng với vị trí hiện tại.
  • Đừng lặp lại nhàm chán. Đừng lặp lại những điều đã được nêu trong CV của bạn. Hãy đưa ra một cái gì đó hấp dẫn để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và khiến họ tiếp tục tìm hiểu về bạn ở phần sau.

#5 - Tập Trung Vào Kinh Nghiệm Của Bạn

Dù bạn có chăm chút những phần khác thế nào, thì phần Kinh Nghiệm hay Work Experience trong CV vẫn là quan trọng nhất.

Đây là nơi giúp bạn thể hiện được bản thân rõ nhất. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể thấy được điểm mạnh, kĩ năng hay thành tựu của bạn.

Để làm phần này nổi bật và thể hiện được tối đa những điểm sáng của bạn, bạn nên đạt được những yêu cầu sau:

  1. Bao quát đầy đủ những thông tin cần thiết
  2. Thông tin ngắn gọn và liên quan mật thiết tới vị trí ứng tuyển, không thừa thãi
  3. Nêu bật được thành tựu
  4. Điều chỉnh nội dung phù hợp với mỗi vị trí khác nhau

Dưới đây, mình sẽ đi chi tiết từng đầu mục để giúp bạn có thể viết được một phần Kinh Nghiệm/Work Experience hiệu quả nhất.

5.1 - Thông tin cần có trong phần Kinh Nghiệm

Trước khi viết nội dung chi tiết, bạn nên lên một sườn bài với đầy đủ thông tin như sau:

  1. Tên vị trí. Đề cập những vị trí bạn đã từng làm trong quá khứ. Lưu ý sử dụng tên vị trí chính xác nhưng cũng có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển. ATS và HR sẽ chú ý tới phần này và có thể lựa chọn bạn vì đã từng làm ở vị trí tương tự.
  2. Tên công ty. Bạn nên đề cập cả địa điểm bạn đã từng làm ở đâu và cung cấp thêm thông tin về công ty nếu đó không phải là một công ty nhiều người biết tới. Nếu bạn muốn nhấn mạnh về lĩnh vực chung của công ty cũ và công ty đang ứng tuyển, bạn cũng có thể cân nhắc thêm vào phần mô tả.
  3. Thời gian làm việc. Luôn đính kèm thời gian từng làm việc ở vị trí đó để nhà tuyển dụng nắm rõ. Bạn không cần phải ghi rõ ngày tháng nhưng cũng nên đề cập tới tháng năm. Ví dụ August 2020 - December 2022.

Khi trình bày phần kinh nghiệm, bạn nên cân nhắc đề cập theo thứ tự thời gian gần nhất. Có nghĩa, bạn đặt công việc gần nhất ở trên đầu và lần lượt là những công việc làm trước đó.

Sau khi đã có bố cục rõ ràng và xác định bạn sẽ cho những kinh nghiệm nào vào phần này, bạn sẽ cần quyết định sẽ viết nội dung chi tiết thế nào.

5.2 - Tập trung vào kết quả và thành tựu thay vì liệt kê kinh nghiệm

Có một lỗi sai thường mắc phải khi viết nội dung kinh nghiệm trong CV đó là mọi người nhồi nhét quá nhiều thông tin cơ bản về mô tả công việc, nhiệm vụ trong khi không đề cập tới thành tựu hay kết quả họ đã mang lại cho công ty.

Tại sao nên tập trung vào thành tựu thay vì kinh nghiệm trong CV

Mình đã từng nhận được những câu hỏi như là “Làm thế nào để quyết định được cái gì nên cho vào CV? Nhiệm vụ nào mình cũng muốn cho vào hết”. Hay là “CV của mình dài quá, làm thế nào để mình cắt ngắn đi mà vẫn có sức ảnh hưởng?”

Thì lời khuyên của mình thường là:

“Bạn hãy lược bỏ hết những phần mô tả về nhiệm vụ của bạn ở vị trí cũ đi. Hãy chỉ đưa vào những gì mà người đọc sẽ không biết, ví dụ như bạn đã đạt được thành tích gì? Bạn đã hoàn thành được dự án nào? Bạn đã đóng góp được gì?”.

Thử tưởng tượng, khi một người quản lý tuyển một vị trí nào đó, chắc chắn họ sẽ hiểu một người từng làm vị trí tương tự thường có những nhiệm vụ gì. Vậy bạn đề cập những nhiệm vụ đó trong CV có phải là phí hoài không?

Câu trả lời là có.

Ví dụ, bạn ứng tuyển vị trí Marketing. Bạn và tất cả những ứng viên khác đều viết trong CV một số nhiệm vụ tương tự nhau như:

  • Quản lý tài khoản mạng xã hội
  • Lên kế hoạch truyền thông
  • Báo cáo kết quả của chiến dịch

Vậy bạn phải làm cách nào để khác biệt và nổi bật hơn họ?

Cách duy nhất là bạn viết về thành tựu và kết quả bạn đạt được ở những vị trí cũ.

Rất nhiều người có kinh nghiệm tương tự nhau nhưng không thành tựu hay kết quả của ai giống nhau cả.

Lưu ý khi nêu thành tựu trong CV

Dưới đây là một số lưu ý để bạn có thể nêu bật được thành tựu hay kết quả đạt được:

  • Đưa ra ví dụ cụ thể để chứng minh. Nếu bạn nhắc tới kỹ năng liên quan tới Python, hãy đề cập đến một dự án bạn đã làm hoặc một thành tựu bạn đạt được nhờ sử dụng Python.
  • Đưa ra dẫn chứng bằng số liệu. Thay vì "Kỹ năng lãnh đạo," hãy nói bạn đã "Lãnh đạo một nhóm 5 thực tập sinh trong dự án truyền thông Tết."
  • Chỉ bao gồm những thông tin thực sự liên quan. Bạn có thể có rất nhiều thành tựu, đạt được vô số kết quả trong học tập hoặc công việc. Tuy nhiên, hãy cân nhắc chỉ đề cập tới những thông tin thực sự liên quan nhé.

5.2 - Cách viết về kinh nghiệm và thành tựu với dẫn chứng thuyết phục

Như đã đề cập, hồ sơ CV của bạn nên thể hiện kỹ năng và thành tựu của bạn, không chỉ liệt kê nhiệm vụ công việc.

Hãy biến những nhiệm vụ tẻ nhạt thành những thành quả thuyết phục và cho nhà tuyển dụng thấy bằng cách:

  • Bắt đầu mỗi ý bằng động từ để nhấn mạnh khả năng và sức ảnh hưởng. Hãy lựa chọn các động từ như "quản lý", "tăng trưởng", "cải thiện", "thay đổi/hoàn thiện”. Một số từ tiếng Anh như “control”, “manage”, “increase”, “improve”, “develop”.
  • Cố gắng đo lường thành tựu bằng số liệu nhiều nhất có thể để chứng minh kết quả cụ thể. Ví dụ:
  • Tăng lượng truy cập trang web lên 45% trong vòng 3 tháng thông qua tối ưu hóa SEO.
  • Giảm lỗi sản phẩm xuống 29% bằng cách triển khai quy trình kiểm tra chất lượng mới.
  • Tập trung vào kết quả và giá trị bạn mang lại trong mỗi vị trí công việc. Bạn đã tiết kiệm ngân sách, thời gian hoặc tài nguyên của công ty như thế nào? Bạn đã đóng góp những gì cho việc cải tiến?
  • Tùy chỉnh động từ và một số chi tiết để phù hợp với mô tả công việc cụ thể.
  • Biến đổi cấu trúc câu và giữ cho mỗi ý thật gọn gàng. Tuỳ từng vị trí mà ưu tiên nhấn mạnh một ý cụ thể. Tránh dùng đi dùng lại một động từ.
  • Cân bằng giữa kỹ năng cứng như "tăng doanh số bán hàng lên 30%" và kỹ năng mềm như "lãnh đạo một nhóm 5 người".

Bằng cách kết hợp động từ có sức ảnh hưởng, chỉ số cụ thể và kết quả rõ ràng trong mỗi ý, bạn sẽ có thể tạo nên một câu chuyện thuyết phục về cách bạn áp dụng kỹ năng để tạo giá trị trong các vị trí trước đây. Điều này giúp nhấn mạnh lý do tại sao bạn là một ứng viên phù hợp cho vị trí này trong tương lai.

Hãy tránh việc chỉ liệt kê trách nhiệm công việc mà không nêu rõ thành tựu hay sức ảnh hưởng như "Phụ trách bán hàng." Thay vào đó, hãy nói "Tăng doanh số bán hàng tại khu vực miền Nam lên 30% trong vòng 2 năm thông qua việc áp dụng chiến lược tiếp thị mới."

Kết Luận

Có rất nhiều nội dung bạn có thể cho vào CV. Tuy nhiên, mục Kinh Nghiệm sẽ là phần quan trọng nhất mà bạn cần chú ý tới. Qua đây, Nhà Tuyển Dụng sẽ hiểu hơn được về kinh nghiệm và thế mạnh của bạn. Vậy nên, nó cũng là thứ quyết định bạn sẽ được mời phỏng vấn hay không và có nhận được công việc đó hay không.

Tuy nhiên, hãy nhớ, CV chỉ là một bức tranh tóm lược về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Để tạo ấn tượng thực sự, bạn phải chứng minh được bản thân trong buổi phỏng vấn. Hãy chuẩn bị cho mình thật kĩ càng để đưa ra bằng chứng thuyết phục với Nhà Tuyển Dụng về năng lực của bạn. Sau đó, bạn nên cân nhắc gửi một lá thư cảm ơn để thể hiện sự quan tâm.

Ngay cả khi bạn không được nhận công việc mơ ước, đừng nản lòng, vì bạn đã có một bản CV tốt. Việc bạn cần làm là hoàn thiện nó hơn từng ngày, tiếp tục học hỏi và có một thái độ tích cực. Công việc phù hợp với bạn chắc chắn đang đợi bạn!

Related Articles